Năm 1937, ông Vũ Xuân Tảo – công nhân lò nấu thủy tinh – trong lúc đào cát để làm nguyên liệu chế tạo thủy tinh đã tình cờ phát hiện được một chiếc rìu đá trên đảo Ngọc Vừng. Phát hiện này đã gây xôn xao các nhà khảo cổ học Pháp thời ấy, bước đầu xác định Hạ Long không chỉ là kỳ quan thiên nhiên mà còn là cái nôi của người tiền sử.
Đã từng có một nền văn hóa tại Hạ Long cách nay 3.500-5.000 năm
Dấu vết người tiền sử
Nhà nghiên cứu vịnh Hạ Long Nguyễn Thanh Sĩ còn lưu giữ bản công bố của nhà khảo cổ học Andecxen (Thụy Điển) và của hai chị em Colani (Pháp). Sau nhiều tháng tìm tòi trên các đảo đá vịnh Hạ Long, họ đã đi đến nhận định chung: “Những công cụ đá, đồ đựng bằng gốm, đồ trang sức bằng đá, bằng xương… đã được phát hiện và thu thập ở Hạ Long đều thuộc thời đại hậu kỳ đá mới – thời đại của người tiền sử”.
Các nhà khoa học Pháp đã xếp những di chỉ khảo cổ ở Hạ Long có cùng đặc điểm vào trong khái niệm “văn hóa Danhdola”. “Danhdola” là tên đảo Ngọc Vừng do người Pháp đặt.
Sau này, khi miền Bắc được giải phóng, các nhà khoa học VN và các chuyên gia khảo cổ học Liên Xô đã tiến hành nhiều cuộc thám sát, điều tra trên diện rộng và qui mô lớn. Một phát hiện gây chấn động những năm 1960 tại di chỉ Tấn Mài – vịnh Hạ Long với những mảnh ghè của người vượn và tiếp đó là khai quật được những mũi tên đồng của thời Hùng Vương.
Các nhà khoa học đã khẳng định: Đã từng có một nền văn hóa Hạ Long cách nay từ 3.500-5.000 năm. Từ thời hậu kỳ đá mới đã có con người sinh sống trên vịnh Hạ Long, dấu vết của người tiền sử đã được phát hiện tại các di chỉ Hang Luồn, Soi Nhụ và Tiên Ông… gồm đồ đá và tàn tích thức ăn, người tiền sử đã xác định được vai trò “kinh tế biển” đối với đời sống con người từ ngàn năm trước.
Đến thời kỳ lập nước và giữ nước, vịnh Hạ Long còn đóng vai trò quan trọng về an ninh và phát triển kinh tế đất nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào cảng Hải Đông (vịnh Hạ Long) xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quí, dâng tiến sản vật địa phương”.
Và thương cảng Vân Đồn đã hình thành từ đó. Theo ông Nguyễn Thanh Sĩ, lý do nhà Lý chọn Vân Đồn bên vịnh Hạ Long làm thương cảng là vì vùng này có nhiều đảo đất, đảo đá ngang dọc, chia cắt biển thành nhiều vũng, luồng lạch sâu và kín gió. Thuyền bè neo đậu an toàn, không bị gió bão uy hiếp.
Năm 1964, trong một lần khai quật khảo cổ tại thương cảng cổ Vân Đồn, các nhà khảo cổ đã tìm được những đồng tiền Tây Ban Nha đúc từ năm 1762, chứng tỏ nó đã qua nhiều cửa khẩu trước khi đến Vân Đồn, điều đó cho thấy phạm vi buôn bán của thương cảng Vân Đồn – vịnh Hạ Long ngày ấy đã vươn tới một số nước Tây Âu.
Bức tường thành trên biển
Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long Ngô Hùng cho hay căn cứ vào các tài liệu còn lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Ninh thì con người đến các đảo Hạ Long cư trú và lập nghiệp, không kể người thời đại đồ đá, sớm nhất là vào thế kỷ thứ VI. Người dân sinh sống đông đúc bắt đầu từ khi thương cảng Vân Đồn thành lập và phát triển.
Trong số 1.969 đảo của Hạ Long chỉ có 40 đảo là có dân sinh sống, những đảo này có qui mô từ vài chục đến hàng ngàn hecta và những đảo có dân sinh sống tập trung chủ yếu ở phía đông và đông nam vịnh Hạ Long. Mấy chục năm gần đây, nhiều vạn chài sống trôi nổi trên mặt nước, bắt đầu lên một số đảo định cư biến những đảo hoang sơ trở thành trù phú như Sa Tô (TP Hạ Long), đảo Thắng Lợi (huyện Vân Đồn)…
Khác với vùng biển khác trên đất nước VN thường có sóng to gió lớn, vịnh Hạ Long với hàng ngàn hòn đảo như bức tường thành ngăn sóng và bão lớn. Với điều kiện như thế, thuyền đi lại như trong ao hồ trên đất liền.
Ở các vùng biển khác, tàu và thuyền đánh cá chỉ dành cho đàn ông khỏe mạnh, nhưng ở Hạ Long tàu thuyền không chỉ là phương tiện đánh cá mà còn là nhà của họ, là nơi ăn ngủ và cả thờ cúng tổ tiên. Những người dân chài trên vịnh Hạ Long gắn bó cả cuộc đời với những con thuyền của họ từ khi sinh ra, lớn lên, lấy vợ gả chồng và cho đến cả khi trở về cõi vĩnh hằng.
Chỉ tay vào phía trong khoang thuyền, anh Nhật – một ngư dân vạn chài Hạ Long – nói rằng bao đời nay con thuyền của dân chài Hạ Long vẫn thế, dù to hay nhỏ đều có ba khoang: khoang mũi, khoang giữa và khoang sau.
Trong đó, khoang giữa là khoang chính có mui chắc chắn và cố định dùng để thờ tự ông bà và cũng là nơi ngủ của bố mẹ và con cái nhỏ. Khoang mũi là nơi để ngư cụ, thả lưới và giăng câu. Khoang sau (khoang lái) thường có mui, là nơi ngủ của con cái lớn chưa lập gia đình, và khi nào lập gia đình thì hai bên gia đình phải gom góp làm một thuyền mới cho đôi trẻ một chiếc thuyền như thế.
Hơn chục năm trở lại đây, một số dân vạn chài làm ăn khá đã sáng tạo ra kiểu làm nhà trên bè cá lồng, tuy nhiên hầu hết các hộ vẫn có một chiếc “thuyền nhà” như đã kể để mưu sinh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha là người sinh ra và lớn lên trên vịnh Hạ Long, anh cho hay hiện nay hầu hết dân chài đã dùng thuyền có lắp máy thủy, không còn dùng buồm như trước.
Năm 2003, cánh buồm cuối cùng của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, ngư dân làng chài Vông Viêng, đã được bán cho một gia đình ngư dân của đảo Hà Nam (Yên Hưng), kể từ đó vịnh Hạ Long vắng bóng những cánh buồm nâu thơ mộng.
Chị Nguyễn Thị Minh, ngư dân làng chài Cửa Vạn, cho biết hiện nay dấu xưa đọng lại của làng chài cổ là những câu hát giao duyên xưa vẫn còn được lưu truyền đến hôm nay mà lớp thanh niên nam nữ làng chài hầu như ai cũng thuộc, đó lối hát đúm, hò biển và hát đám cưới.
Cụ Nguyễn Văn Cải, 96 tuổi, ngư dân cao tuổi nhất của làng chài Cửa Vạn, tự hào rằng hát đám cưới của Hạ Long không kém gì lối hát của người quan họ Kinh Bắc. Cụ Cải cho hay đám cưới của vịnh Hạ Long cũng độc nhất vô nhị vì theo phong tục chỉ được tổ chức trong những ngày rằm, do đây là lúc trên vịnh có trăng sáng, cá ăn tản, người dân chài không đi đánh cá.
Và những đêm trăng ấy, biển Hạ Long lung linh và huyền ảo. Thuyền nhà trai đến thuyền nhà gái đón dâu, thay bằng những lời chào hỏi, chúc tụng là những câu hát đối đáp vui vẻ. Cụ Cải cho biết nếu nhà trai hát “thắng” thì nhà gái mới “chịu” mở ngõ cho thuyền mình làm lễ gia tiên và đón dâu. “Tất nhiên là bao giờ nhà trai cũng thắng và nhà gái bao giờ cũng giả vờ thua”, cụ Cải cười vui vẻ.
Nguồn: sưu tầm