Nguồn: Báo Quảng Ninh – https://baoquangninh.vn/
Những ngày qua, lượng rác, phao xốp xuất hiện trên Vịnh Hạ Long, tập trung chủ yếu ở khu vực hòn Trống Mái, khu vực Mê Cung, Sửng Sốt, Hang Luồn… Với quyết tâm làm sạch môi trường Vịnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai tháng cao điểm từ nay đến hết tháng 3 để tăng cường thu gom, xử lý lượng rác thải trên Vịnh để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan Vịnh.
Rác, phao xốp xuất hiện trên Vịnh Hạ Long tập trung chủ yếu ở khu vực hòn Trống Mái, khu vực Mê Cung, Sửng Sốt, Hang Luồn… đang được thu gom, xử lý.
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tình trạng rác trôi nổi ở những khu vực trên là do thời tiết mù, nồm, không có gió nên rác thải, phao xốp từ các chân núi, kẽ đá khe bờ trôi ra ngoài. Đây là những mảnh phao vỡ, bè tre, gỗ còn sót lại từ một lượng phao xốp lớp trôi dạt nhiều tháng liền trên mặt biển từ Hạ Long cho tới Cẩm Phả, Vân Đồn do quá trình thay thế phao xốp của các nhà bè nuôi trồng thủy sản và xử lý các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Lực lượng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thu gom rác, phao xốp, bè mảng trôi nổi trên Vịnh
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tập trung nhân lực, huy động gần 20 tàu, xuồng, đò đến tất cả các luồng, tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long để thu gom, vận chuyển rác trôi nổi trên mặt biển về bờ để xử lý theo quy định. Chị Dương Thị Liên, công nhân môi trường Công ty CP Cây xanh công viên Quảng Ninh, cho biết: Thời điểm này, lượng rác thải trên biển mắc kẹt tại các chân, khe núi trôi ra rất lớn. Từ cuối tháng 2/2024, chúng tôi thường xuyên đi thu gom rác thải từ sáng sớm tới 5 giờ chiều. Trung bình thu gom khoảng 10-12 khối rác/ngày tại các điểm du lịch trên Vịnh.
Trung tâm bảo tồn 2 (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) tăng cường lực lượng, phương tiện để thu gom rác, phao xốp trên Vịnh.
Hoạt động thu gom lá cây, bè mảng trôi nổi trên Vịnh Hạ Long
Anh Hoàng Văn Hanh, Trung tâm bảo tồn 2, cho biết: Việc thu gom rác diễn ra thường xuyên, tuy nhiên đợt này do nhiều yếu tố về thời tiết khiến phao xốp, bè mảng trôi nổi nên đơn vị đã huy động lực lượng, tăng cường thu gom rác, phao xốp tại các khu vực quản lý, như: Sửng Sốt, Mê Cung, Hang Luồn, Trinh Lữ, đảo Đá Trai, đảo Đầu Bê… với quyết tâm cao đảm bảo cảnh quan môi trường, bảo tồn Vịnh, nhất là chuẩn bị cho đợt cao điểm du lịch hè sắp tới. Để chấm dứt tình trạng phao xốp, rác trôi nổi tràn lan, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và trải nghiệm của du khách, rất cần sự vào cuộc nghiêm túc và nâng cao ý thức của người dân, du khách trong công tác bảo vệ môi trường.
Tàu của Công ty CP Cây xanh công viên Quảng Ninh tăng cường công tác thu gom rác, phao xốp trên Vịnh
Từ đầu năm đến nay, để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trên Vịnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thường xuyên duy trì các hoạt động giám sát định kỳ chất lượng môi trường Vịnh, giám sát các hoạt động kinh tế – xã hội trên và ven bờ Vịnh Hạ Long, kịp thời tham mưu báo cáo và đề nghị các đơn vị liên quan xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ban cũng thực hiện 19 đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, lượng phao xốp, rác trên Vịnh Hạ Long đã cơ bản được thu gom sạch, đảm bảo môi trường và cảnh quan vùng biển.
Rác, phao xốp trôi nổi được các lực lượng thực thu gom, xử lý theo quy định.
Ông Lê Minh Tân, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Để thu gom phao xốp, rác trôi trên Vịnh, Ban đã huy động mọi nguồn lực từ các phòng, ban, đơn vị của Ban, Công ty CP Cây xanh công viên và các doanh nghiệp, chủ tàu trên Vịnh tham gia thực hiện. Các phương tiện tăng cường thu gom và chạy liên tục để vận chuyển rác vào bờ xử lý theo đúng quy định. Thời gian tới đây, Ban tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực tế việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long; phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến các hoạt động môi trường. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, thực hiện việc thu gom rác thải trôi nổi trên biển để tạo mặt bằng sạch cho Vịnh Hạ Long, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách và góp phần giữ gìn, bảo tồn Di sản.