Nguồn: Báo Quảng Ninh – https://baoquangninh.vn/
“Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới đã 3 lần được UNESCO công nhận, cũng là một điểm du lịch hút khách bậc nhất của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng với địa hình khu vực ven bờ và phụ cận là những khu đô thị, dân cư lớn, hoạt động kinh tế – xã hội phát triển mạnh mẽ đã tạo ra sức ép lớn với môi trường nơi đây, do đó vấn đề bảo vệ môi trường di sản luôn được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu.
Khách du lịch chụp ảnh tại động Thiên Cung, Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hằng Ngần
Tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng, quyết liệt chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển nói chung và Vịnh Hạ Long nói riêng, trong đó đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo, như: Chỉ thị 18-CT/TU (ngày 1/9/2017) về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nghị quyết 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030… Cùng với đó là nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác thu gom, xử lý phao xốp, rác thải trôi nổi; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường; giám sát chặt chẽ việc thu hồi phao xốp, lồng bè thải bỏ… Đồng thời nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan; triển khai ngăn chặn rác thải từ trên bờ; phối hợp với các địa phương lân cận bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.
Các đội đua tham gia Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024 diễu hành quanh vịnh Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương
Để công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đạt hiệu quả cao, tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tới tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; giám sát chất lượng môi trường, việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, từng bước kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vịnh từ nguồn thải ven bờ, khu vực giáp ranh; triển khai dự án “Nâng cao năng lực xử lý nước thải tại đảo Đầu Gỗ, vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh“ để xử lý nước thải tại điểm tham quan.
Đặc biệt, tỉnh đã sớm triển khai chương trình “vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” thông qua việc tuyên truyền, nhắc nhở du khách để lại các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trước khi tham quan vịnh Hạ Long, đồng thời giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch, chủ tàu du lịch thực hiện nghiêm quy định không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần.
Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long phối hợp cùng Chi hội tàu du lịch Hạ Long phát động chương trình Chung tay hành động “Vì một Hạ Long xanh”. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Việc ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường được Quảng Ninh tích cực triển khai, điển hình như áp dụng công nghệ xử lý nước thải Jokaso tại đảo Ti Tốp, đảo Đầu Gỗ, Vung Viêng, Ba Hang; sử dụng thiết bị camera giám sát hành trình lắp đặt tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long kịp thời phát hiện hành vi xâm hại tới cảnh quan di sản, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý các tài nguyên thiên nhiên và môi trường vịnh Hạ Long. Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên trao đổi và duy trì mối quan hệ với UNESCO, mạng lưới di sản biển thế giới, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới, Văn phòng UNESCO Hà Nội, Văn phòng IUCN Việt Nam… trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ quản lý di sản, bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị di sản.
Rác trên vịnh Hạ Long được thu gom, xử lý thường xuyên.
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, trong tháng 3 Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai tháng cao điểm thu gom, xử lý rác thải trên vịnh, đồng thời thường xuyên duy trì các hoạt động giám sát định kỳ chất lượng môi trường, giám sát các hoạt động kinh tế – xã hội trên và ven bờ Vịnh Hạ Long, kịp thời tham mưu báo cáo và đề nghị các đơn vị liên quan xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ban cũng thực hiện 19 đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, lượng phao xốp, rác trên Vịnh Hạ Long đã cơ bản được thu gom sạch, đảm bảo môi trường và cảnh quan vùng biển. Cùng với đó, đơn vị cũng đã ký kết quy chế phối hợp với huyện Cát Bà (TP Hải Phòng), hằng tháng, quý, hai bên sẽ định kỳ tổ chức ra quân làm sạch môi trường vịnh, nhất là ở các khu vực giáp ranh. Đồng thời, tăng cường xử lý vi phạm môi trường ở giáp ranh hai bên.
Nhân viên Công ty CP Cây xanh công viên Quảng Ninh tăng cường công tác thu gom rác, phao xốp trên vịnh.
TP Hạ Long cũng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện thu gom vật tư, phao xốp trôi nổi trên biển. Trong đó các phường, xã và đơn vị liên quan ra quân thực hiện thu gom rác ven bờ từ khu vực phường Hà Khánh đến phường Hà Phong, khu vực ven bờ từ phường Hùng Thắng đến phường Đại Yên, các kênh, mương thoát nước ra vịnh; giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường ven bờ vịnh; xây dựng bổ sung tuyến thu gom rác thải ven bờ và rác thải mương hở trôi dạt trên vịnh Hạ Long khu vực bãi tắm Hòn Gai, phường Hồng Hà đến khu vực hạ lưu suối Lộ Phong giáp địa phương phường Quang Hanh, từ bến cá phường Cao Xanh đến mương K67…
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Thời gian tới, Ban sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản quyết liệt chỉ đạo các địa phương tiếp tục thay thế phao xốp bằng vật liệu thân thiện, đồng thời, có các giải pháp giảm thiểu phát thải ngay tại địa phương. Ban cũng sẽ tăng cường thiết bị, phương tiện và nhân lực thu gom, xử lý rác thải; phối hợp tổ chức các đợt ra quân thu gom rác; nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cộng đồng, tổ chức và cá nhân; kiểm soát tốt các điểm rác thải trên bờ không để phát tán; tuyên truyền cho các cá nhân có hoạt động trên vịnh có ý thức bảo vệ môi trường nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, sinh thái vịnh Hạ Long. Để tập trung thống nhất đầu mối thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải trên vịnh, Ban đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất phương án điều chuyển nhiệm vụ thu gom vận chuyển rác tại vịnh Hạ Long cho UBND TP Hạ Long thực hiện, đảm bảo việc thu gom rác được thực hiện đồng bộ, tận dụng tối đa nhân lực, thiết bị thu gom của mỗi đơn vị, nâng cao hiệu quả kiểm soát rác từ nguồn ven bờ, xử lý kịp thời vi phạm trên biển.”
Cao Quỳnh